Những chuyến xe thiện nguyện vì trẻ em vùng cao
Những chuyến đi chứa đầy ân tình và kỷ niệm
Anh Hoàng Cường với 10 năm thâm niên công tác tại Hà Nội đã có nhiều chuyến hoạt động tình nguyện lên với trẻ em vùng cao. Những ngày cuối năm giá rét này, nhóm của anh vẫn không ngừng tập kết hàng hóa tại nhà kho được một nhà hảo tâm cho mượn. Nhóm tình nguyện của anh đã phải tập trung nhân lực kiểm đếm, tổng kết, phân loại, đóng gói các hiện vật đúng số lượng, độ tuổi… sau đó đóng gói và niêm phong, bốc xếp đồ lên xe tải. Đoàn xe sẽ chuyển bánh rời Hà Nội vào lúc sáng sớm.
Thu Hương, quê ở Quế Võ, Bắc Ninh, thành viên đoàn thiện nguyện cho biết: “Lần nào gặp gỡ, ôm các em vào lòng cũng có cảm giác trào dâng nghẹn ngào. Thương các em phải chịu rét, không có nổi một chiếc áo ấm, một đôi giầy. Có nơi chúng em đến, trời lạnh như cắt da, cắt thịt nhưng vẫn còn em nhỏ không có chăn đắp, hoặc chỉ là những tấm chăn nhỏ, mỏng manh”.
Nhớ lại chuyến đi ở huyện Bắc Hà (Lào Cai) vừa kết thúc, Thu Hương chia sẻ: “Tranh thủ những ngày cuối năm, bọn em muốn có những món quà thiết thực, dù nhỏ nhưng các em sẽ được ấm áp hơn”.
Theo Thu Hương, chuyến đi Bắc Hà xuất phát từ Hà Nội lúc 17 giờ lên tới Bắc Hà là 3 giờ sáng nên mọi người phải ngủ lại trên xe chờ trời sáng vì thời tiết quá lạnh. Dù đã được báo trước và chuẩn bị kỹ càng nhưng cũng vẫn bất ngờ trước cái lạnh ở nơi này. “9 giờ 30 phút, đoàn đặt chân lên đến xã Vàn Chư Sán, huyện Bắc Hà sương giăng phủ kín. Tại Trường tiểu học Ngải Thầu, các em đang đứng đợi được phát áo co ro trong giá rét, nhiều đôi chân để trần thâm tím. Nhìn các em đứng ngoan ngoãn chờ phát quần áo, kẹo mà lòng cứ thấy rưng rưng”, Thu Hương chia sẻ.
Thu Hương cho hay mỗi năm chỉ đi được một số chuyến lên với trẻ vùng cao nên cô thật sự khâm phục những thầy cô đã quyết tâm ở lại cắm bản. “Phải tâm huyết và yêu trẻ lắm họ mới trụ lại nơi này. Các thầy cô trồng rau để học sinh có rau ăn. Họ tự sáng tạo đồ chơi, làm sân chơi cho học sinh từ những đồ vật đã bỏ đi. Chúng tôi được các thầy cô Trường Ngải Thầu mời cơm chiều. Để có được những miếng thịt gà thì các thầy đã phải dùng hết sức chạy để đuổi bắt chúng. Cơm gạo nương nấu nồi gang bếp củi, gà rang, rau luộc, toàn món tự cung, tự cấp và đầy ắp ân tình, ngon đến lạ. Mỗi một chuyến đi là một kỷ niệm khó phai mờ trong chúng tôi”.
Thắp lửa yêu thương.
Vì những đứa trẻ “mong manh” trong giá rét
Cũng thuộc thế hệ 9X như Cường và Hương, nhưng nhóm tình nguyện của Thu Trang, Minh Huệ đang rất tích cực kêu gọi, quyên góp đồ cho chuyến đi lên xã Sủng Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang) trước khi nghỉ Tết Âm lịch.
Thu Trang cho biết: “Năm ngoái chúng tôi đã lên với các em ở Sủng Là nên biết rằng với các em ở đây chừng nào áo ấm cũng không đủ, chừng nào cũng cần. Nên năm nay, nhóm em quyết tâm tổ chức một chuyến trước Tết để các em có quần áo ấm đón năm mới”.
Trang kể lại câu chuyện cảm động khi đầu mùa đông năm ngoái, Trang cùng các bạn lên đến bản Lao Xa, xã Sủng Là thuộc vùng biên giới, xa xôi hẻo lánh. “Gia đình em Vừ Thị Dính nằm tách biệt với các gia đình khác hàng cây số. Dính có 4 chị em, chị cả đi lấy chồng, anh thứ 2 bị thần kinh, chị thứ 3 vì gia đình nghèo nên bỏ học. Dính, 4 tuổi là con út trong nhà, sớm bị mù cả hai mắt. Những đường máu đỏ chực tứa ra từ đôi mắt đứa trẻ cứ ám ảnh chúng tôi. Bà Sì, mẹ của Dính cho biết 3 năm đầu đời, mắt của Dính bình thường, sau đó xuất hiện một chấm đỏ ở giữa con ngươi. Nghĩ đau ít hôm là khỏi nhưng ít hôm sau máu tươi tứa ra từ hai mắt và Dính không còn nhìn thấy gì nữa. Mẹ Dính bảo không có tiền đưa con đi khám. Bố Dính quanh năm sang Trung Quốc lao động kiếm sống không mấy khi có thời gian quan tâm đến con cái. Khi có đoàn tình nguyện đưa em xuống bệnh viện huyện khám bệnh thì muộn rồi. Dính bị mù hẳn. Nhìn Dính nhỏ thó, mắt bị mù, có áo nhưng không quần, không giầy dép đang quờ quạng, thương lắm”.
Như đã thành một phong trào, vài năm trở lại đây chúng ta rất dễ bắt gặp cảnh trên các nẻo đường vùng núi phía Bắc, khi giá lạnh tràn về cũng là lúc thanh niên đồng bằng, thành phố cùng nhau lên vùng cao chụp ảnh với tuyết. Vô hình trung tạo nghịch cảnh khi người dân nơi vùng cao này đang bị mất mùa, trâu bò chết, nhiều đứa trẻ cũng “ra đi” vì giá lạnh.
Minh Huệ và nhóm bạn của mình đang gom khoảng 200 suất quà. Mỗi suất quà gồm chăn bông, áo ấm và 10kg gạo. Huệ cho hay: “Em có nhiều bức ảnh đẹp, nhưng không phải “tự sướng” với tuyết với thiên nhiên hùng vĩ vùng Tây Bắc, mà chụp với các em nhỏ. Nhưng em không đưa lên Facebook, vì coi đây là kỷ niệm riêng của mình”.
Trên các chuyến đi đến Tây Bắc, chúng tôi bắt gặp không ít các đoàn xe tải, với khẩu hiệu: “Sưởi ấm vùng biên”, “Vì trẻ em vùng cao”, “Tết ấm…”. Hỏi tên các thành viên, nơi công tác những người làm công tác thiện nguyện, họ chỉ cười: “Không cần biết tên làm gì, chúng mình chỉ góp chút sức nhỏ nhoi. Cái quan trọng là làm sao có nhiều nhóm hơn nữa để mùa đông này thật nhiều em không còn phải co ro với manh áo cộc, quần đùi trong giá rét nữa”.
Những ngày cuối năm này, nhiều đoàn thanh niên thiện nguyện lại rộn rã trên khắp nẻo đường tình nguyện. Họ đi với tinh thần nhiệt huyết, hăng say, chia khó với những cảnh đời còn thiếu thốn vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc. Hành động của họ thắp lên ngọn lửa yêu thương, tạo nên phong trào nhân văn và đáng trân trọng khi ngày Tết Nguyên đán đến gần.
Hà Phương/Báo Gia đình & Xã hội
- ƯỚC MƠ THA THIẾT CỦA NGƯỜI MẸ TRĂM CON
- HUỲNH TIỂU HƯƠNG - BÀ MẸ TRĂM CON
- HUỲNH TIỂU HƯƠNG – “ CÔ TIÊN CỦA NHỮNG SỐ PHẬN KHỐN CÙNG”
- Đang đi từ thiện miền Trung, Thủy Tiên bất ngờ tuyên bố với Công Vinh: “Nếu 2 đứa có bất trắc sẽ ra đi cùng con”
- Hành trình thiện nguyện đến với các em học sinh vùng cao Yên Bái
- KHÔNG ĐƯỢC “HỖ TRỢ” SAO MÀ PHẢI LĂN TĂN?
- Thượng tọa. Thích Giải Hiền phát quà cho dân nghèo phía bắc Việt Nam đón tết
- Nhật Bản buộc hung thủ sát hại bé Nhật Linh bồi thường 634.000 USD
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét