Mới đây trên trang mạng phản động Boxitvn.com, Nguyễn Đình Cống cho rằng: “Việt Nam vẫn nặng xây dựng Nhà nước Đảng quyền”, từ đó đã làm cho: “Đảng yếu, Nhà nước non kém, Đảng không phát huy được chức năng vốn có của mình, Nhà nước rơi vào tình trạng thụ động, quan liêu, xa rời thực tế, quyền lợi của Nhân dân trở thành hình thức”… Phải khẳng định, đây là những luận điểm hết sức sai trái, phản động, suyên tạc sự thật, nhằm tách Đảng ra khỏi Nhà nước, làm lẫn lộn chức năng lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý của Nhà nước, sâu xa hơn là chúng muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước.
Về mặt lý luận, ở Việt Nam, Đảng cầm quyền là để chỉ vai trò của Đảng ta khi đã giành được chính quyền, lãnh đạo chính quyền, thông qua chính quyền và các đoàn thể nhân dân để lãnh đạo toàn xã hội. Nói cách khác, Đảng cầm quyền tức là Đảng nắm giữ và sử dụng quyền lực nhà nước, lãnh đạo nhà nước và toàn dân thực hiện mục tiêu của Đảng. Mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là sự tác động qua lại giữa hai chủ thể, trong đó Nhà nước thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật và chính sách làm công cụ quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong hệ thống chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận hợp thành cùng với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội. Đảng giữ vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị nhưng không đứng trên, hay đứng ngoài hệ thống chính trị, mà gắn bó với những thiết chế trong hệ thống đó. Ðảng không làm thay công việc của Nhà nước. Đảng và Nhà nước đều hướng đến việc bảo đảm và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Về thực tiễn, những thắng lợi của cách mạng Việt Nam, trong đó có sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, luôn có sự khởi xướng và sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định. Trên cơ sở nguyên tắc mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Đảng đã từng bước nhận rõ hơn và cụ thể hóa mối quan hệ này thành các quy định, quy tắc, chế độ trong hoạt động thực tiễn. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng chính trị duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam. Hiện nay, những đổi mới trong quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đã phát huy dân chủ, quyền làm chủ, sức mạnh của Nhân dân, tạo ra những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; thế và lực, uy tín quốc tế của đất nước được nâng lên, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện, ngày càng cao hơn trước; các lĩnh vực văn hóa, xã hội đều có bước phát triển, quốc phòng, an ninh được tăng cường, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Những thành tựu đó được Nhân dân và bạn bè quốc tế thừa nhận, đánh giá cao.
Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không có lợi ích tự thân, sứ mệnh của Đảng và Nhà nước là phục vụ Nhân dân. Mọi xu hướng và biểu hiện “Đảng hóa Nhà nước” và “Nhà nước hóa Đảng” dẫn tới “hình thức hóa Nhà nước” hoặc “hình thức hóa Đảng” đều làm suy yếu cả Đảng lẫn Nhà nước, đều gây tổn hại tới xã hội, tới nền dân chủ, tới quyền và lợi ích của Nhân dân. Do đó, mỗi người dân cần nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh góp phần bảo vệ và giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước./.
Nhân văn Việt
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét